Picture of Thúy Ngần

Dublin Core

Title

Picture of Thúy Ngần

Subject

VN Bookweek, VinVivid x VinUniLibrary, Metanoia

Description

"ĐIỀU GÌ KHIẾN CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA?”

Cùng đi tìm câu trả lời qua cuộc đối thoại giữa mình và chú Paul
(Paul Kalanithi được biết đến là một nhà giải phẫu học thần kinh người Mỹ gốc Ấn. “Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện tác giả kể lại hành trình hoán đổi từ vị trí bác sĩ phẫu thuật sang vị trí bệnh nhân trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh ung thư phổi ác tính. Dưới đây là cuộc đối thoại tưởng tượng của mình và chú Paul)

*Phần nhiều dấu ngoặc kép là trích lời tác giả trong cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không”
-------------
Tôi: Cháu rất vui khi được gặp chú, chú Paul. Cháu biết đến chú qua cuốn sách “Khi hơi thở hóa thinh không”, cảm ơn chú vì những trang viết - hành trình cảm xúc đầy ý nghĩa dành cho độc giả.

Chú Paul: Cảm ơn cháu, người bạn đến từ Việt Nam. Chú đã xem profile của cháu, biết cháu sắp theo học ngành Y và là một cô gái chuyên Văn. Chúng ta có điểm chung đấy. Chú từng tốt nghiệp đại học Stanford với tấm bằng Văn học Anh và Sinh học Người, sau đó chú trở thành bác sĩ chuyên về giải phẫu học thần kinh. Với chú, “văn học không chỉ chiếu rọi trải nghiệm của một ai đó, mà [...] nó còn cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú nhất cho những suy ngẫm về đạo đức."

Tôi: Những năm tháng học chuyên Văn đã giúp cháu được “sống” nhiều cuộc đời với đủ cung bậc cảm xúc khác nhau: đồng cảm với sự khó khăn mà “những người khốn khổ” phải chịu đựng trong xã hội Pháp xưa qua ngòi bút của Victor Hugo; rung động trước những vần thơ tình say đắm được viết bởi “mặt trời của thi ca Nga”, A.S.Pushkin hay tìm thấy tuổi trẻ nổi loạn, khát khao thầm kín của chính mình như những thiếu niên trong tác phẩm “bắt trẻ đồng xanh” của J.D Salinger… Hơn tất thảy, văn học là chất xúc tác khiến cháu phải suy ngẫm nhiều hơn về một cuộc sống có ý nghĩa. Chú Paul, cháu biết đó cũng là câu hỏi chú đã đặt ra xuyên suốt cuốn sách và là điều cả đời chú luôn kiếm tìm: “ĐIỀU GÌ KHIẾN CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI CÓ Ý NGHĨA?”

Chú Paul: Ý nghĩa là một khái niệm mơ hồ. Đúng như cháu nói, mỗi việc chú làm, mỗi ngành chú theo học đều vì khát khao trả lời câu hỏi ấy. Chú “học văn học và triết học để hiểu được điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, học khoa học thần kinh và làm việc tại phòng thí nghiệm fMRI để hiểu được làm thế nào mà não bộ có thể tạo ra một cơ thể sống có khả năng tìm kiếm ý nghĩa trên thế giới này."

Tôi: Chú Paul, cháu tò mò về quyết định theo học trường Y đã thay đổi chú như thế nào?

Chú Paul: Nói thật lòng, chú “biết tới y học chỉ bằng sự thiếu vắng nó - cụ thể là sự thiếu vắng người cha đang trên đà sự nghiệp, người luôn đi làm trước bình minh và chỉ trở về với đĩa thức ăn hâm lại lúc trời đã tối". Qua hình ảnh người cha tận tụy bền bỉ với nghề, chú nhận ra rằng “về tất cả những gì chú biết, nếu đó là cái giá của y học, thì đó là cái giá quá đắt.” Và quyết định theo học trường Y đã làm sâu sắc hơn những hiểu biết của chú về mối quan hệ giữa ý nghĩa, cuộc đời và cái chết. Trường Y khắc sâu “tinh thần trách nhiệm quả cảm giữa cảnh máu me và thất bại.”

Tôi: Thất bại? Có phải là khi chú bất lực cầm phiếu kết quả của bệnh nhân, hay là khoảnh khắc chú chứng kiến sự đau đớn tột cùng của người nhà họ?

Chú Paul: Thất bại và sai sót là điều tối kị với ngành Y và lương tâm những người làm bác sĩ. Thất bại, khi chú chứng kiến sự sống đầu tiên, mà… cũng là cái chết đầu tiên. Đó là ca mổ đẻ song sinh được hai mươi ba tuần và sáu ngày mà “hai mươi tư tuần trong dạ con được coi là ranh rới của khả năng sống sót". Giây phút nghe tin hai đứa trẻ đều đã chết, chú “chỉ có thể nghĩ về phép ẩn dụ rằng cặp sơ sinh đó đã chạm tới giới hạn cuối cùng: một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày, cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử, ánh sáng lóe lên một khoảnh khắc…”

Tôi: Cháu cũng có “kỉ niệm” lần đầu nhận thức và cảm nhận sâu sắc về sự sống và cái chết. Đúng vào sinh nhật năm 16 tuổi của cháu, bác cháu mất. Đứng giữa đám tang, có lúc cháu lặng người quan sát mọi thứ chuyển động, âm thanh, sự vật, con người, đỏ hoe, trầm lắng, thê lương. Điều đó khiến cháu bắt đầu suy nghĩ về sự sống và cái chết. Cháu “thấm thía sự sâu xa của vòng sinh tử hiện hiện khắp mọi nơi: từ những điều nhỏ nhặt như có những loại hạt cây chỉ có thể nảy mầm khi có cháy rừng, đến những điều lớn lao như việc những vì sao trong vũ trụ tự chết thiêu để tạo ra chín mươi hai nguyên tố hoá học hình thành nên con người và muôn loài sự sống” (theo lời tác giả Nguyễn Phương Mai). Cháu tìm đọc hành trình đồng hành với người cận tử của bác Đặng Hoàng Giang trong cuốn “Điểm đến của cuộc đời”. Nỗi đau, sự tuyệt vọng đến cùng cực len lỏi chảy giữa khát khao sống mãnh liệt của các nhân vật đã khiến cháu nhiều khi cắn răng khóc, rồi oà lên nức nở, để chạm vào, mở ra cánh cửa đến với “sự chết”, để hiểu “sự sống nảy mầm từ trong cái chết”. Đám tang bác, cháu khóc vì sự chia lìa, mất mát và biết ơn vì cháu đã được sống. Với cháu, đó là sự hồi sinh từ bên trong.

Chú Paul: Câu chuyện thật cảm động! Chú “đã bắt đầu sự nghiệp này, một phần nào đó, nhằm theo đuổi cái chết: nắm lấy nó, lột mặt nạ của nó và nhìn thẳng vào nó, không chớp mắt. Ngành phẫu thuật thần kinh thu hút chú không chỉ ở sự quấn quýt của não bộ và ý thức mà còn ở sự quấn quýt của sinh và tử.” Trải qua năm đầu tiên khi trở thành bác sĩ nội trú, chú “có thể thấy được phần của mình trong những cái chết. Đôi khi thấy nó khi lén nhìn đâu đó ngóc ngách, đôi khi bẽ bàng khi thấy nó ở ngay trong cùng phòng... Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồm ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đến ngạt thở… Trong những khoảnh khắc đứng giữa ranh giới giữa cửa sinh và cửa tử, chú “thường hành động không phải như một đối thủ của cái chết - như chú vẫn thường thế - mà như một đại sứ của nó.”

Tôi: Trên hành trình là "đại sứ của cái chết", quyết định nào khiến chú cảm thấy khó khăn nhất?

Chú Paul: “Dù mọi bác sĩ đều chữa bệnh, bác sĩ phẫu thuật thần kinh lại làm việc trong một lò tôi luyện nhân cách… trong những thời điểm nguy cấp đó, câu hỏi không chỉ đơn thuần là sống hay chết mà còn là cuộc sống nào đáng sống. “ĐIỀU GÌ KHIẾN CUỘC ĐỜI ĐỦ Ý NGHĨA ĐỂ SỐNG TIẾP?” Bác sĩ làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm cao gặp gỡ bệnh nhân tại các khoảnh khắc cong vênh, những khoảnh khắc chân thật nhất, nơi sự sống và nhân diện bị đe dọa; nhiệm vụ của họ bao gồm việc hiểu được điều gì khiến cuộc đời của một bệnh nhân nào đó đáng sống, và có kế hoạch cứu giữ những điều đó nếu có thể - hoặc nếu không thể thì chấp nhận một cái chết bình an." Đó là khoảnh khắc đưa ra quyết định khó khăn nhất và cũng dũng cảm nhất với bác sĩ như chú.

Tôi: Cái chết sẽ xảy đến với tất cả chúng ta. Nhưng với chú, cháu nghĩ, khó có ngôn ngữ nào khi diễn tả hành trình hoán đổi từ bác sĩ thành bệnh nhân, tự mình hiểu thấu tường tận "bản án cuộc đời"

Chú Paul: “Cái chết, vốn rất quen thuộc với chú trong công việc, nay lại ghé thăm riêng chú. Khi chú được chẩn đoán mang bệnh nan y trong người, chú bắt đầu nhìn thế giới qua hai lăng kính; chú bắt đầu nhìn cái chết trong cả hai vai trò bác sĩ và bệnh nhân. Là một bác sĩ, cháu có chút ý thức về việc bị ốm là như thế nào nhưng cháu sẽ không thực sự hiểu cho tới khi chính mình trải qua việc đó. Phần bác sĩ trong chú vẫn duy trì trách nhiệm cho phần bệnh nhân trong chú. Chú quyết định phải học cách sống khác, nhìn nhận cái chết như một vị khách không mời nhưng hiểu rằng ngay cả khi chú phải chết, thì chú vẫn sẽ sống cho đến lúc thực sự ra đi. Chú đương đầu với cái chết - nghiên cứu nó, đánh vật với nó, chấp nhận nó - trong vai trò một bác sĩ và một bệnh nhân.”

Tôi: Cháu cảm nhận được dù trong vai trò là bác sĩ hay bệnh nhân, chú đều nỗ lực hết mình để hoàn thành trách nhiệm một cách toàn vẹn, sâu sắc. Sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt hành trình kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời đã là một điều ý nghĩa. Chú đã “tìm thấy Ý NGHĨA TRONG SỰ PHẤN ĐẤU.”

Chú Paul: Thật vậy, “cháu không bao giờ có thể đạt được sự hoàn hảo, nhưng cháu có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mà mình không ngừng hướng tới.” Chú tặng cháu cuốn sách có chữ ký của chú, mong rằng cháu sẽ tự mình kiến tạo và sống một cuộc đời có ý nghĩa. Khi cầm dao mổ, chú đã tạm gác tay cầm bút sang một bên. Nhưng suốt năm cuối cuộc đời, chú lại khao khát được cầm bút, viết không ngừng nghỉ, do được tiếp sức bởi mục đích và thúc đẩy bởi tiếng tích tắc của đồng hồ. Sách đã trở thành người bạn đồng hành cùng chú từ thuở thơ bé và rồi, cuốn sách cháu nhận trên tay là món quà ý nghĩa chú gửi tặng thế gian này. Chú thật sự biết ơn mẹ của chú, bà chưa từng đọc nhiều sách nhưng bà luôn quyết tâm không để các con mình thiếu sách. Có một kỉ niệm vui mà chú mãi nhớ, "sau khi chú bị bắt quả tang mò về nhà vào lúc rạng sáng, người mẹ hay lo của chú đã thẩm vấn kỹ lưỡng từng loại ma túy tuổi teen hay dùng, mà chẳng thể ngờ thứ gây nghiện nhất mà chú đã từng được trải nghiệm lại chính là tập thơ tình mà bà đã đưa chú tuần trước đó. Sách trở thành bạn tâm giao gần gũi nhất, thành những lăng kính được mài giũa tỉ mỉ đưa đến cho chú những cái nhìn mới mẻ về thế giới."

Tôi: Với cháu, sách là cánh cửa thần kì đưa cháu đến nhiều vùng đất, gặp gỡ nhiều con người; là "người khổng lồ" tiếp thêm sức mạnh tri thức và tinh thần giúp cháu tự tin chinh phục mọi thử thách và cơ hội. Cháu cảm ơn chú Paul về cuộc trò chuyện đong đầy cảm xúc và giá trị hôm nay. Cháu nhận được rất nhiều bài học sâu sắc từ hành trình của chú, đó cũng là nguồn cảm hứng giúp cháu càng vững tâm hơn trong chặng đường sắp tới. Chú Paul, cháu nhất định sẽ sống cuộc đời thật ý nghĩa, với nỗ lực và tin yêu!



Professor Le Cu Linh passed some compliments on Thuy Ngan's entry. "Thuy Ngan shared with us a compassionate fictional dialogue between herself and Paul Kalanithi. This is a bit sad, and yet very thought-provoking and rewarding to read her writing. Paul was not only a doctor but a cancer patient and a medical writer. In this piece of writing, Thuy Ngan captured our attention of Paul’s book - When Breath Becomes Air - as well as his life stories and the healthcare profession. More than that, Thuy Ngan did a great job in introducing to readers the challenges in the journey of a healthcare professional, the moments of truth, the meaning of life (and death), and above all the empathy, passion of those who decided to do this job: helping sick people, saving lives. It is amazing to get to know Thuy Ngan - a prospective student of our VinUni College of Health Sciences (class of 2025) - through this photo, through her creative and captivating writing. This gives us joy, and a big hope for the future."

Creator

Thúy Ngần

Source

https://www.facebook.com/photo?fbid=124175536473326&set=a.106308894926657

Publisher

VinUniversity Library

Date

May 29, 2021.

Contributor

VinUniversity Library

Rights

VinUniversity Library

Format

Image

Language

Vietamese

Files

Asset 25'''.png

Reference

Picture of Thúy Ngần, Thúy Ngần, VinUniversity Library, 2021

Cite As

Thúy Ngần, “Picture of Thúy Ngần,” VinUni Library Digitization Portal , accessed May 6, 2024, https://vinunilibrary.omeka.net/items/show/15.